4 cách kiểm soát HIỆU QUẢ cơn hen suyễn về đêm
Cẩm nang | by
Cơn hen suyễn về đêm khiến người bệnh khó ngủ, mất ngủ, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Vậy nguyên nhân vì sao cơn hen suyễn thường xảy ra về đêm và cách điều trị như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây để có câu trả lời nhé!
Vì sao cơn hen suyễn thường xảy ra về đêm?
Hen suyễn là 1 dạng viêm mãn tính của đường hô hấp, gây co thắt phế quản và làm cản trở quá trình lưu thông không khí trong phổi. Đây là bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ người lớn đến trẻ nhỏ và xảy ra vào bất cứ thời điểm nào.
Đặc biệt, cơn hen suyễn thường xảy ra nhiều về đêm và rạng sáng. Nguyên nhân dẫn đến những cơn hen suyễn về đêm là do:
– Tiếp xúc nhiều với các chất gây dị ứng nguyên trong nhà: mạt nhà, lông chó mèo, cách chất kích thích trong không khí (mùi hương xịt phòng). Đặc biệt, trong không gian phòng ngủ chật hẹp, những yếu tố này càng dễ gây kích ứng, ảnh hưởng đến người bệnh.
– Nồng độ 2 chất cortisol và adrenaline (có vai trò trong việc làm giãn phế quản) lại giảm về đêm, khiến cho việc hô hấp trở nên khó khăn hơn.
– Việc nằm ngửa khi ngủ cũng dễ gây tắc nghẽn phế quản, tạo điều kiện cho những cơn hen suyễn về đêm bùng phát.
– Khi ngủ cũng dễ bị trào ngược dịch vị vào thực quản. Đồng thời, dịch tiết do viêm xoang hay hội chứng mũi sau dễ chảy vào đường hô hấp dưới gây kích hoạt cơn hen suyễn về đêm.
Cơn hen suyễn về đêm có nguy hiểm không?
Hen suyễn nói chung, cơn hen suyễn về đêm nói riêng đều rất nguy hiểm vì nó gây ra tình trạng khó thở. Người bệnh thường phải cố gắng để hít vào thở ra, cảm giác đau tức ở lồng ngực, hô hấp trở nên khó khăn.
Cơn hen suyễn về đêm nếu nhẹ sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến người bệnh không thể ngủ ngon, ngủ sâu giấc, thậm chí mất ngủ. Còn nặng thì có thể dẫn đến tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Ngoài ra, cơn hen suyễn về đêm không được điều trị sẽ khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như tâm phế mạn, tràn khí màng phổi, khí phế thũng và bệnh lao.
Cách kiểm soát cơn hen suyễn về đêm
Cơn hen suyễn về đêm cũng như bệnh hen suyễn, không thể chữa khỏi hoàn toàn. Người bệnh chỉ có thể kiểm soát tình trạng này bằng cách:
1. Tránh xa các tác nhân gây dị ứng
Để kiểm soát cơn hen suyễn về đêm, người bệnh tốt nhất nên hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, phòng ngủ được cách ly tốt, không bị dột, ẩm mốc. Không cho động vật (chó, mèo) ngủ chung trong phòng. Sử dụng máy tạo độ ẩm để giữ không khí ẩm, tránh tình trạng không khí quá khô.
2. Thay đổi thời gian sử dụng thuốc
Những cơn hen suyễn về đêm có thể được kiểm soát tốt hơn bằng cách thay đổi thời gian sử dụng thuốc. Thay vì sử dụng ống hít hàng ngày vào buổi sáng, người bệnh có thể sử dụng vào buổi tối để phát huy công dụng vào ban đêm. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể hơn về thời gian cũng như liều lượng sử dụng thuốc.
Thay đổi thời gian sử dụng thuốc để kiểm soát cơn hen suyễn về đêm
3. Xử trí kịp thời cơn hen suyễn về đêm
Cơn hen suyễn về đêm có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong khi người bệnh ngủ. Vì vậy, cần có biện pháp xử trí tại chỗ kịp thời. Luôn mang theo thuốc bên người hoặc ống hít do bác sĩ kê toa.
Hiện có hai loại thuốc cấp cứu mà bác sĩ có thể kê toa cho bạn là bình xịt định liều (metered dose inhaler – MDI) hoặc bình xịt bột khô (dry powder inhaler – DPI).
4. Đi cấp cứu khi cơn hen suyễn về đêm trở nặng
Cơn hen suyễn về đêm nếu nhẹ có thể tự xử trí tại nhà, nếu có những biểu hiện nặng hơn, ngay cả khi đã dùng thuốc: người bệnh thở dồn dập không ra hơi, khó thở, tức ngực, mặt tái xanh, chân tay co giật thì cần gọi người để đưa đi cấp cứu kịp thời. Không nên chủ quan, kéo dài thời gian điều trị tại nhà.
Để hỗ trợ điều trị cơn hen suyễn về đêm cũng như bệnh hen suyễn, bệnh nhân nên duy trì lối sống lạnh mạnh, tránh xa các yếu tố kích thích, môi trường khói bụi, độc hại. Ngoài ra, cần ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn tinh thần và có chế độ tập thể dục thường xuyên.