Đợt cấp COPD là gì? Triệu chứng và điều trị đợt cấp COPD bội nhiễm
Cẩm nang | by
Nếu bản thân COPD (tắc nghẽn phổi mạn tính) là một căn bệnh đáng sợ thì đợt cấp COPD còn đáng sợ hơn. Cụ thể đợt cấp COPD là gì, chúng nguy hiểm đến đâu và phải làm sao để khắc phục? Thongkhikhang sẽ cho bạn đọc câu trả lời chính xác nhất trong bài viết dưới đây.
Đợt cấp COPD là gì?
Đợt cấp COPD
Trong y học, khái niệm đợt cấp COPD được hiểu là tình trạng xấu đi đột ngột của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Điều này có nghĩa là COPD đợt cấp chỉ xảy ra ở những người đã mắc COPD trước đó. Nó đòi hỏi người bệnh phải được thay đổi cách điều trị thường quy ngay lập tức.
Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong vì đợt cấp COPD.
Đợt cấp COPD là tình trạng đột ngột chuyển nặng của bệnh
Đợt cấp COPD bội nhiễm
Bội nhiễm là tình trạng người bệnh bị nhiễm trùng sau khi đã mắc một bệnh nhiễm trùng trước đó. Vì vậy khi bị bội nhiễm, tình trạng bệnh thường nặng hơn rất nhiều.
Đợt cấp COPD bội nhiễm là hiện tượng bệnh chuyển nặng do người bệnh COPD bị vi khuẩn, virus tấn công, thường gặp nhất là COPD bội nhiễm phổi (người mắc COPD mắc thêm bệnh viêm phổi).
Tại sao người bệnh bị COPD đợt cấp?
Có khoảng 1/3 trên tổng số các trường hợp bị đợt cấp COPD không điều tra rõ được nguyên nhân. Số còn lại được xác định do một trong các yếu tố:
– Nhiễm khuẩn khí phế quản phổi do virus, vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất.
– Do cơ thể người bệnh bị nhiễm lạnh.
– Do tác nhân từ môi trường sống như bụi bẩn, khí độc, khói thuốc…
Triệu chứng COPD đợt cấp
Triệu chứng COPD đợt cấp bao gồm một trong ba, hoặc cả ba các yếu tố dưới đây:
– Tăng cảm giác khó thở.
– Tăng số lượng đờm người bệnh khạc ra mỗi ngày.
– Màu của đờm đổi từ trắng sang màu xanh, vàng hoặc màu đục của mủ.
Tất cả các triệu chứng này đều xuất hiện đột ngột, không có sự báo trước. Bên cạnh đó, các triệu chứng sẵn có của COPD như ho nhiều, khó thở vẫn diễn ra đều đặn mỗi ngày.
Khi chẩn đoán đợt cấp COPD, bác sĩ sẽ căn cứ vào triệu chứng này để phân loại mức độ nặng nhẹ. Trong đó:
– Type III: Là mức độ nhẹ nhất. Người bệnh chỉ có 1 trong 3 triệu chứng trên, kèm theo một trong các triệu chứng phụ là sốt, tăng ho hoặc khò khè, tăng nhịp tim và nhịp thở 20% hoặc tăng nhiễm khuẩn hô hấp trên trong vòng 5 ngày trước đó.
– Type II: Là mức độ trung bình, khi người bệnh gặp 2 trong 3 triệu chứng trên.
– Type I (mức độ nặng): Nếu có đầy đủ cả ba triệu chứng.
Điều trị COPD đợt cấp như thế nào?
Người bệnh trong đợt cấp COPD có thể bị nguy hiểm tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Tùy vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một liệu trình phù hợp.
– Dùng thuốc kháng sinh: Trong vòng 5 – 10 ngày, lựa chọn loại kháng sinh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ và chức năng thận của người bệnh.
– Lấy đờm làm kháng sinh đồ nếu người bệnh không đáp ứng kháng sinh.
– Dùng thuốc giãn phế quản, Pprednisolon uống và kháng sinh phù hợp nếu người bệnh đang trong đợt cấp COPD mức độ nhẹ.
– Kết hợp thở oxy và tăng số lần sử dụng thuốc giãn phế quản để điều trị với người bệnh trong đợt cấp COPD mức độ vừa. Kết hợp salbutamol, terbutalin truyền tĩnh mạch, methylprednisolon, thông khí nhân tạo không xâm nhập, thông khí nhân tạo xâm nhập và sử dụng kháng sinh điều trị đợt cấp COPD nếu cần thiết.
– Kết hợp thở oxy qua gọng kính oxy, dùng thuốc giãn phế quản tại chỗ, kết hợp truyền tĩnh mạch, thở máy không xâm nhập, đặt ống nội khí quản và thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản, thở máy xâm nhập nếu cần thiết đối với bệnh nhân trong đợt cấp COPD cấp độ nặng.
Môi trường sống đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của người mắc COPD. Để phòng tránh các đợt cấp COPD xảy ra, cách tốt nhất là tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và giúp người bệnh tránh xa khói bụi, đặc biệt là khói thuốc lá. Khi thấy các triệu chứng trở nên khó chịu hơn, hãy báo ngay với bác sĩ để được giúp đỡ.