Hen phế quản cấp có biểu hiện như thế nào? Xử trí làm sao?

Cẩm nang | by Thông Khí Khang

Hen phế quản cấp nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ chuyển thành mãn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, việc sớm phát hiện các triệu chứng để xử trí kịp thời là vô cùng cần thiết.

Hen phế quản cấp có biểu hiện như thế nào?

Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm tăng tình trạng co thắt, phù nề, tiết đờm nhiều hơn. Bệnh ở giai đoạn đầu được coi là hen phế quản cấp tính.

Dấu hiệu nhận biết cơn hen phế quản cấp tính:

  • Người bệnh cảm thấy ngứa mũi, chảy nước mắt, nước mũi, ho từng cơn… hiện tượng này xảy ra nhiều vào ban đêm.
  • Cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, hơi thở gấp gáp.
  • Ho thường đi kèm với triệu chứng khó thở. Người bệnh có thể ho có đờm hoặc khạc đờm.
  • Nặng ngực: Khi ho và khó thở, người bệnh cũng sẽ có cảm giác nặng ngực, tức ngực như có vật gì đè nặng lên ngực.
  • Ngoài ra, hen phế quản cấp kéo dài cũng có thể có những triệu chứng như: sốt, ho ra đờm.

Cách điều trị các cơn hen phế quản cấp

Để điều trị các cơn hen phế quản cấp, cần phải dựa vào mức độ của bệnh:

– Nếu nhẹ (các triệu chứng chỉ có khi hoạt động, khi gắng sức): Dùng ngay thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh (phổ biến nhất là Salbutamol dạng hít, xịt).

  • Có thể xịt vào họng Ventolin (Salbutamol) hoặc Bricanyl (Terbutalin) … mỗi lần 1 – 2 nhát, 6 giờ sau có thể xịt lại, một ngày không quá 3 lần.
  • Hoặc cho uống Salbutamol 4mg hoặc Theophyllin 0,10g x1 – 3 viên/ngày.

Nếu bệnh nhân không thể tự sử dụng đúng cách bình xịt được ( thường là trẻ em, người lớn tuổi) thì phải dùng buồng đệm, hay sử dụng máy phun khí (ví dụ Salbutamol 2,5 – 5 mg/lần). Tiếp theo nới lỏng quần áo và ngồi yên trong một giờ và tiếp tục theo dõi.

– Nếu nặng: Các triệu chứng hen phế quản cấp không giảm hoặc nặng hơn sau khi hít thuốc dãn phế quản, khó thở cả khi nghỉ ngơi, không thể nói hết câu cần gọi điện ngay cho bác sĩ hoặc đi đến bệnh viện, trong khi đó vẫn tiếp tục xịt 2 liều thuốc dãn phế quản và uống 1 liều thuốc corticoid.

  • Aminophyllin: Tiêm tĩnh mạch rất chậm trong 20 phút 1 ống 0,24g pha trong 20ml dung dịch glucose 5%. Có thể tiêm 2-3 lần mỗi ngày.
  • Corticoid: Prednisolon 5mg x 6 viên, uống ngay sau khi ăn, liều giảm dần trong những ngày sau.
  • Hoặc Depersolon 30mgx1 ống tiêm bắp thịt.

– Nếu cơn hen phế quản là rất nặng (tím môi, lú lẫn, tháo mồ hôi, không thể đứng, không thể nói): gọi ngay cấp cứu, uống ngay corticoid + xịt 2 liều thuốc dãn phế quản tác dụng nhanh.

– Các biện pháp phối hợp khi điều trị cơn hen cấp tính:

  • Thở oxy 2 – 4 lít/phút, nếu nặng cho thở oxy liên tục.
  • Dùng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn. Không dùng loại kháng sinh có thể gây dị ứng làm cho cơn hen nặng thêm như penicillin…

Khi có dấu hiệu cơn hen ác tính: Cơn nặng kéo dài > 24 giờ, có biểu hiện suy hô hấp rất nặng, bệnh nhân khó thở nhiều, tím tái, mạch nhanh, dùng các thuốc cắt cơn không đỡ … thì phải chuyển sớm đi bệnh viện. Trên đường vận chuyển, cho thở oxy liên tục.

Lưu ý: Khi sử dụng các loại thuốc cắt cơn phải thận trọng vì bệnh nhân sẽ bị quen với thuốc, dùng lâu dài có nhiều tác dụng phụ phức tạp. Chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ, trong cơn hen cấp tính nặng, khi các thuốc khác không cắt được cơn.

Cách phòng ngừa hen phế quản cấp

  • Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây cơn hen phế quản cấp như: khói thuốc lá, khói bụi, ô nhiễm từ môi trường….
  • Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ để nâng cao sức đề kháng, phòng tránh tác nhân gây bệnh.
  • Giữ ấm cho cơ thể, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh.
  • Khi có những biểu hiện của cơn hen phế quản cấp, cần đi khám sớm để điều trị kịp thời, tránh để thành mãn tính.

Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để điều trị hay cắt cơn hen phế quản cấp đều phải tham khảo ý kiến của bác sĩ, không tùy tiện tự chữa tại nhà.

Bài viết liên quan