Nguyên nhân người hay mệt mỏi và khó thở? Đây là triệu chứng bệnh gì?
Cẩm nang | by
Thỉnh thoảng, bạn có thể cảm thấy trong người mệt mỏi và khó thở, sau đó tần suất của các triệu chứng này ngày một trở nên dày đặc hơn. Đến lúc đó, bạn chắc chắn sẽ thắc mắc triệu chứng khó thở và mệt mỏi là bệnh gì? Chúng có gây nguy hiểm đến sức khỏe hay tính mạng của bạn hay không?
Cách nhận biết triệu chứng khó thở và mệt mỏi
Hít thở là đặc trưng của hoạt động sống, và một người bình thường luôn thực hiện được nó một cách dễ dàng đến mức họ chẳng hề để ý rằng mỗi giây mỗi phút họ đều đang hít thở.
Khó thở là khi bản thân người đó không còn thoải mái khi hít thở nữa mà bắt đầu cảm thấy khó khăn hơn, hơi thở ngắn hơn mà chúng ta vẫn gọi là hụt hơi. Đôi khi người bệnh cần tốn rất nhiều sức lực để hít một hơi thật sâu rồi lại phì phò thở ra một cách đầy nặng nề.
Còn mệt mỏi là cảm giác khó chịu, yếu đuối, uể oải trong cả thể chất lẫn tinh thần. Những người mệt mỏi cũng hay buồn bã, cáu gắt và việc này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của họ.
Một người đang cảm thấy khó thở và mệt mỏi
Khó thở thường gây ra mệt mỏi, vì nó làm giảm lượng oxy cần thiết của cơ thể. Ngược lại, mệt mỏi có thể xuất hiện đơn độc hoặc đi kèm với triệu chứng khó thở hay bất kỳ dấu hiệu nào khác.
Bản thân người bệnh luôn là đối tượng biết rõ nhất rằng họ đang khó thở và mệt mỏi đến mức nào. Những người xung quanh cũng có thể nhận ra điều này dựa vào sắc mặt cùng các hoạt động hô hấp của họ.
Mệt mỏi khó thở là triệu chứng của bệnh gì?
Thời tiết nóng bức dễ khiến người ta cảm thấy trong người mệt mỏi khó thở. Lao động gắng sức, tập thể thao hay căng thẳng quá mức cũng có thể gây ra tình trạng này, nhưng chúng không phải là bệnh lý.
Thế nhưng khi triệu chứng khó thở và mệt mỏi đi cùng nhau một cách thường xuyên không rõ nguyên do, bạn có quyền nghi ngờ mình đang mắc phải một bệnh gì đó, mà chúng tôi sẽ đề cập trong một danh sách ngay dưới đây.
1. Bệnh tim
Khó thở thường xuyên, gặp nhiều hơn khi phải gắng sức là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tim. Người mắc bệnh này cũng rất dễ bị mệt mỏi nhiều lần trong ngày mà không rõ nguyên nhân, thậm chí nó xảy ra cả vào buổi sáng – thời điểm mà lẽ ra mỗi người đều cảm thấy tràn đầy năng lượng.
Người bệnh tim cũng thường bị phù, tím tái các đầu chi, chán ăn, tiểu đêm nhiều, ho dai dẳng, nhiều khi lại thấy hồi hộp, choáng và ngất.
Người mắc bệnh tim hay bị khó thở và mệt mỏi
2. Rối loạn thần kinh thực vật
Rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể là nguyên nhân gây mệt mỏi khó thở. Đây là một căn bệnh vô cùng khó hiểu khi nó không rõ ràng về nguyên nhân, cũng không hề gây ra các tổn thương thực thể nhưng lại khiến chức năng của mọi cơ quan đều bị đảo lộn.
Triệu chứng của bệnh cũng không kém phần kỳ lạ khi mà với nhiều người, bệnh hầu như không gây ảnh gì thì với một số khác, nó lại thật sự kinh khủng, khiến họ hay có triệu chứng khó thở và mệt mỏi, chán ăn, lo lắng, sợ hãi, sụt cân, mất ngủ.
Bởi vậy, nhiều người dễ nhầm lẫn rối loạn thần kinh thực vật với bệnh hoang tưởng, tâm thần hay bệnh “giả vờ”. Đa số trường hợp đều không tìm được nguyên nhân nên chủ yếu điều trị theo triệu chứng. Rất may mắn là rối loạn thần kinh thực vật sẽ tự khỏi sau 2 – 3 năm phát bệnh.
3. Béo phì
Người béo phì có một cơ thể đồ sộ cùng với những lớp mỡ dày, tất cả chúng có thể làm tăng áp lực lên cơ hoành và phổi, gây ra tình trạng khó thở. Sự thiếu săn chắc và nặng nề của các cơ bắp cũng khiến họ dễ cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi chỉ ngồi yên một chỗ và chẳng làm gì cả.
Mệt mỏi khó thở cũng là triệu chứng của bệnh béo phì
Hầu như tất cả phụ nữ luôn nghĩ rằng họ béo. Vì vậy, đừng dựa vào cảm tính để đánh giá một ai đó có béo phì hay không, hãy dựa vào những công thức đã được công nhận dưới đây.
– Xác định béo phì dựa vào cân nặng tiêu chuẩn:
Ngoại trừ những người có cơ bắp vượt trội thì tất cả những ai có cân nặng vượt 20% so với mức tiêu chuẩn đều bị coi là béo phì.
Bạn có thể tính cân nặng tiêu chuẩn của mình bằng cách (số lẻ chiều cao x 9)/10.
Trong đó số lẻ chiều cao tính bằng cm.
Ví dụ ban cao 1m60 thì cân nặng lý tưởng là (60 x 9)/10 = 54 kg.
– Xác định béo phì qua chỉ số BMI:
Theo đó, chỉ số BMI = Cân nặng/(chiều cao x chiều cao).
Trong đó cân nặng tính bằng kg, còn chiều cao tính bằng mét.
Theo phân loại thừa cân béo phì dành cho người châu Á thì:
Bảng xác định béo phì dựa trên chỉ số BMI
Ví dụ bạn cao 1m60, nặng 60kg thì chỉ số BMI sẽ là 60/(1,6 x 1,6) = 23,44. So với bảng BIM phía trên thì bạn đang thừa cân nhưng chưa tới mức béo phì.
4. Tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi cũng nằm trong một trong những nguyên nhân chính gây mệt mỏi khó thở. Cụ thể, sự tích tụ của chất dịch trong màng phổi làm người bệnh thường xuyên cảm thấy khó thở, nhất là khi nằm xuống. Tiếp theo là cảm giác đau ngực ở phía bên lá phổi bị tràn dịch, ho khan hoặc có đờm, cơ thể suy kiệt, mệt mỏi kéo dài.
Ngoài ra, một số người bệnh cũng có thể gặp phải triệu chứng sốt cao, chán ăn, sụt cân.
5. Khí phế thũng
Người bệnh khí phế thũng rất hay gặp triệu chứng khó thở ở thì thở ra do phổi bị căng giãn thường xuyên đến mức mất khả năng đàn hồi. Khi phải leo cầu thang, mang vác vật nặng hay vận động gắng sức, các triệu chứng thường trở nên nặng nề hơn.
Bản thân người mắc khí phế thũng cũng hay bị ho mãn tính kéo dài, chán ăn, giảm cân không kiểm soát. Tất cả những thứ đó khiến họ không thể nào thoát khỏi cảm giác mệt mỏi bao trùm cả ngày.
6. Hen suyễn
Ho khò khè, ho khan nhiều vào sáng sớm là dấu hiệu đầu tiên của bệnh hen suyễn. Triệu chứng hay bị mệt mỏi khó thở ban đầu chỉ xuất hiện khi người bệnh phải hoạt động gắng sức hoặc gặp phải chất gây dị ứng, càng về sau thì chúng càng phổ biến và đột ngột hơn. Đó cũng là lý do khiến họ luôn phải mang theo bình thuốc xịt hen suyễn để ngăn chặn các cơn hen.
Hen suyễn gây mệt mỏi và khó thở
Sự suy giảm trầm trọng về khả năng hô hấp là nguyên nhân chính dẫn đến triệu chứng mệt mỏi thường xuyên của người hen suyễn. Họ rất khó làm những việc nặng nhọc hoặc công việc đòi hỏi sức bền vì sức khỏe không cho phép.
7. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Khó thở ở bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính xảy ra từ từ nhưng vô cùng dai dẳng và nó cũng là triệu chứng khiến đa số người bệnh phải đến gặp bác sĩ. Cảm giác mệt mỏi có thể xuất hiện thoáng qua ở giai đoạn đầu của bệnh. Và sau khi bệnh nặng hơn kèm theo nhiều triệu chứng khác như ho khan, ho có đờm, tình trạng mệt mỏi này mới càng trầm trọng.
Các bệnh gây ra khó thở và mệt mỏi có nguy hiểm không, điều trị được không?
Tất cả các bệnh lý gây ra triệu chứng khó thở và mệt mỏi mà chúng tôi vừa kể phía trên đều có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Thật may mắn là chúng ta có thể điều trị chúng bằng thuốc hoặc kết hợp với các biện pháp điều trị khác cho dù là nguyên nhân gây mệt mỏi khó thở xuất phát từ đâu. Một số bệnh như COPD, bệnh tim, hen suyễn, khí phế thũng không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể kiểm soát rất tốt. Việc này phụ thuộc rất lớn vào thời gian phát hiện ra bệnh và độ đúng hướng của phác đồ điều trị.
Hiện nay, với sự phát triển kỳ diệu của y học, các bác sĩ có thể kiểm soát rất tốt tình trạng bệnh, cho dù căn bệnh đó quái ác đến mức nào. Vì vậy, đừng quá lo lắng, hãy đến một bệnh viện uy tín để thăm khám ngay khi nghi ngờ về tình trạng hay mệt mỏi khó thở của bản thân nhé!