Giải đáp: Viêm phổi bệnh viện là gì? Nguyên nhân, cách điều trị

Cẩm nang | by Thông Khí Khang

Chuyên gia cho cháu hỏi viêm phổi bệnh viện là gì ạ? Mấy ngày trước cháu đưa bố đi khám thì phát hiện bệnh và được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị. Cháu chưa nghe tên bệnh này bao giờ nhưng nghe bác sĩ nói là rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Không biết nguyên nhân do đâu và điều trị như thế nào? Cháu đang cảm thấy vô cùng lo lắng.

(Huy, HN )

Trả lời

Bạn Huy thân mến! Thắc mắc, lo lắng của bạn cũng là điều dễ hiểu khi có người thân mắc viêm phổi bệnh viện. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu trong nhiễm khuẩn bệnh viện (chiếm 30% – 70%) . Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn mơ hồ, chưa có kiến thức về căn bệnh này.

Để giúp bạn Huy cũng như độc giả hiểu rõ hơn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Viêm phổi bệnh viện là gì?

Đúng như tên gọi thì viêm phổi bệnh viện là loại nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế thường gặp tại bệnh viện, nhất là khoa Hồi sức tích cực (chiếm 27%). Bệnh xuất hiện sau khi bệnh nhân nhập viện 48 giờ, không ở trong giai đoạn ủ bệnh hoặc mắc bệnh vào thời điểm nhập viện.

Viêm phổi bệnh viện liên quan đến thở máy (xuất hiện sau khi thở máy >=48 giờ) chiếm chiếm tỷ lệ 90%, làm kéo dài thời gian nằm viện thêm 6 – 13 ngày và tăng chi phí chữa trị.

Con đường lây nhiễm viêm phổi bệnh viện: Vi sinh vật xâm nhập vào phổi từ các chất dịch tiết của hầu họng, dịch dạ dày bị trào ngược, các dụng cụ hỗ trợ hô hấp (bình làm ẩm khí oxy, máy khí dung, máy nội soi phế quản, phế dung ký, dụng cụ gây mê… ) hoặc bàn tay của nhân viên y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân bị ô nhiễm.

Viêm phổi bệnh viện là loại nhiễm khuẩn liên quan đến chăm sóc y tế thường gặp tại bệnh viện

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phổi bệnh viện

Nguyên nhân gây viêm phổi bệnh viện có thể khác nhau giữa môi trường các bệnh viện, khoa chữa bệnh, dụng cụ y tế và phương pháp chẩn đoán. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là do sự xâm nhập của các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm. Trong đó, phải kể đến:

– Vi khuẩn Gram âm hiếu khí như: Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter spp, Klebsiella spp, Enterobacter spp, E coli, Providencia spp

– Vi khuẩn Gram dương như: Staphylococcus aureus và Streptococcus pneumonia cũng chiếm tỷ lệ khá cao.

– Một số loại nấm cũng là tác nhân gây viêm phổi bệnh viện.

Viêm phổi bệnh viện gây tỷ lệ tử vong và thương tật cao thường do các vi khuẩn gram âm Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter spp và khi sử dụng liệu pháp kháng sinh ban đầu không thích hợp.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm phổi bệnh viện

– Những người bị bệnh nặng phải nhập viện, đặc biệt là bệnh nhân cần sự trợ giúp của máy thở có nguy cơ cao mắc viêm phổi bệnh viện.

– Ngoài ra, trẻ sơ sinh, người già trên 65 tuổi, người béo phì, người bệnh phẫu thuật bụng, ngực, đầu và cổ, người bệnh có bệnh lý nặng kèm theo như có rối loạn chức năng phổi (phổi tắc nghẽn mãn tính, bất thường lồng ngực, chức năng phổi bất thường), hệ miễn dịch kém cũng có nguy cơ cao nhiễm bệnh.

– Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm viêm phổi bệnh viện:

  • Liên quan đến bệnh lý: Bệnh đặt nội khí quản hoặc mở khí quản, đặt ống thông mũi dạ dày, bệnh lý cần thở máy kéo dài, nuôi ăn qua đường tiêu hóa…
  • Liên quan đến môi trường, dụng cụ: Dụng cụ y tế trong bệnh viện không được khử trùng sạch sẽ, bàn tay của nhân viên y tế bị nhiễm bẩn thông qua các thao tác như hút đờm, cầm vào dây máy thở, vào ống nội khí quản, môi trường bệnh viện ô nhiễm, không được sát khuẩn thường xuyên…

Những người cao tuổi, bệnh nặng, phải nhập viện để điều trị có nguy cơ cao nhiễm viêm phổi bệnh viện

Phác đồ điều trị viêm phổi bệnh viện

Viêm phổi bệnh viện cũng sẽ có các triệu chứng như viêm phổi thông thường: ho, sốt, khó thở, đau tức ngực… Tùy vào mức độ bệnh mà các biểu hiện sẽ nặng hoặc nhẹ. Tuy nhiên, nếu không điều trị kịp thời sẽ tiến triển nặng, gây nhiều biến chứng: áp xe phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Vì vậy, các bác sĩ cần sớm tìm ra nguyên nhân gây viêm phổi bệnh viện (chụp x-quang phổi, lấy mẫu dịch đờm trong cổ họng) để xác định tác nhân là do virus, vi khuẩn hay nấm. Từ đó, đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.

Sử dụng thuốc kháng sinh

Bệnh viêm phổi bệnh viện hiện đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch, oxy và dịch truyền. Tùy vào thể nặng, nhẹ, bác sĩ sẽ cân nhắc dùng các loại thuốc khác nhau:

– Thể nhẹ, sớm, nguy cơ thấp: dùng 1 – 2 loại kháng sinh .

  • Cephalosporin thế hệ 3: cefuroxim acetyl, cefotaxim, ceftriaxon .
  • Hoặc blactam và chất ức chế betalactamase: ampicillin-sulbactam, ticarcilin-sulbactam, piperacillin- tazobactam .
  • Nếu dị ứng penixilin: fluoroquinolon hoặc clindamycin, azythromycin .

– Thể nặng, muộn, nguy cơ cao: dùng 2 – 3 loại kháng sinh .

  • Aminoglycosid (gentamycin, tobramycin, amikacin)/hoặc ciprofloxacin .
  • Kháng sinh hiệu quả với trực khuẩn mủ xanh: ceftazidim, efoperazon, cefepim, piperacillin, ticarcillin, mezlocillin; hoặc bêtalactam (chất ức chế betalactamase): ticarcilin-sulbactam, piperacilin-tazobactam; hoặc: imipenem, meropenem; hoặc aztreonam .
  • Vancomycin.

Lưu ý: Bệnh nhân bị viêm phổi bệnh viện được khuyên là tránh dùng nhóm aminoglycosides và colistin nếu các kháng sinh còn lại có đủ khả năng hoạt tính để chống lại các vi khuẩn gram âm.

Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi bệnh viện

Chế độ ăn uống cho người bị viêm phổi bệnh viện

Bên cạnh việc sử dụng thuốc kháng sinh thì người bị viêm phổi bệnh viện cần có chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đa dạng các dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, đặc biệt các loại quả giàu vitamin C như: cam, bưởi, dâu tây, đu đủ, kiwi… uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể.

Người bị viêm phổi bệnh viện cần có chế độ tập luyện hợp lý

Thường xuyên tập thể dục, thể thao giúp tăng cường sức khỏe, lưu thông khí huyết, đồng thời giúp tinh thần thoải mái, vui vẻ hơn, xả stress. Người bị viêm phổi bệnh viện không nên nằm nhiều một chỗ, càng khiến cơ thể mệt mỏi, trì trệ, bí bách. Thay vào đó, hãy đi lại, vận động, tập các bài tập nhẹ nhàng.

Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn Huy giải đáp được những thắc mắc của mình về bệnh viêm phổi bệnh viện là gì? Nguyên nhân và cách điều trị. Bạn nên khuyên bố của mình nhập viện sớm và điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng viêm phổi nói chung, viêm phổi bệnh viện nói riêng có thể lây nhiễm nên cần chú ý khi tiếp xúc, chăm sóc bệnh nhân nhé!

Bài viết liên quan